Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí

Y.J - Ảnh + Clip: Việt Anh - Design: Tạ Xuân Quỳnh, Theo Trí Thức Trẻ 08:16 30/11/2016

Sinh ra ở một vùng quê nghèo khó, cách biệt hẳn với bên ngoài, phải đi bán hàng rong phụ bố mẹ từ bé, bản thân cũng không học qua đại học, cao đẳng nhưng chàng trai 22 tuổi này đã là người sáng lập của một trung tâm tiếng Anh giảng dạy miễn phí có tiếng.

Những ngày vừa qua, trên mạng bỗng xôn xao về câu chuyện một chàng trai đến từ vùng quê nghèo khó của xứ Thanh từng rong ruổi trên những con phố của Hà Nội trên chiếc xe bán hàng rong nhưng lại nói tiếng Anh "như gió", đồng thời là người sáng lập của một trung tâm tiếng Anh giảng dạy miễn phí có tiếng ở Hà Nội. Chàng trai đó là ai? Chàng trai ấy đã học tiếng Anh như thế nào? Nghị lực ở đâu giúp chàng trai ấy vượt qua cảnh khó khăn để đạt được thành công như hiện tại? Những câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi tìm đến với Phạm Minh Hòa - Nhân vật chính trong câu chuyện cảm hứng trên.

Phạm Minh Hòa

22 tuổi

  • Quê quán: Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

  • Người sáng lập ra Mercury Center - Tổ chức hoạt động tình nguyện chuyên giảng dạy ngoại ngữ miễn phí.

Hiện tại, người ta nhắc rất nhiều đến những lớp học ngoại ngữ miễn phí, nhưng miễn phí thật hay không lại là một câu chuyện khác. Ấy thế mà ở Hà Nội, có hẳn một trung tâm dạy và học ngoại ngữ đã hoạt động trên cơ chế miễn phí ấy được hơn 5 năm, đón nhận được tất cả 40.000 lượt học viên trên tổng số 655 lớp học, đó chính là trung tâm tiếng Anh Mercury Center. Điều khiến trung tâm ấy trở nên đặc biệt hơn nữa chính là người sáng lập ra nó lại là một chàng trai khi ấy vừa tròn 17 tuổi. Chàng trai có cái tên Phạm Minh Hòa, thường được bạn bè gọi là Peter ấy là người chỉ tốt nghiệp THPT, từng chỉ biết học tiếng Anh qua những buổi đi bán hàng rong, từng cảm thấy tủi thân vì sao mình khổ đến thế nhưng lại luôn hướng tới sứ mệnh cao cả là biến trung tâm giảng dạy miễn phí của mình trở thành một tổ chức tình nguyện viên quốc tế đại diện ở Việt Nam để trao đổi tình nguyện viên với các tổ chức quốc tế khác.

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 3.

"Món ngon nhất mình từng ăn chính là món ốc với xoài mà khách Tây ăn thừa để lại!"

11 tuổi khi những đứa trẻ khác còn vô tư chơi đùa thì cậu bé đến từ làng Cách, Hoằng Hóa, Thanh Hóa tên Phạm Minh Hòa đã phải rong ruổi khắp các con phố của Hà Nội trên chiếc xe đạp chở đầy những món hàng rong, từ bắp rang bơ đến chong chóng để phụ giúp cha mẹ. 17 tuổi – Cái độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" của nhiều người, thì cũng chính cậu bé nhà nghèo ấy lại vươn lên bằng chính nghị lực của mình, tự học ngoại ngữ và mở một trung tâm ngoại ngữ với hy vọng mang đến cơ hội cho nhiều người khác cũng có hoàn cảnh như mình, không hề lấy một đồng phí.

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 4.

Tuổi thơ của Hòa gắn liền với nghèo khó, Hòa kể: "Quê mình ở thôn Nam Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Nó là một cái làng mà ngày xưa người ta gọi là làng Cách, cùng một xã nhưng làng của mình bị bao bọc bởi một con sông, nên tiếp cận với các vùng khác rất là khó. Ai như nào thì cả làng làm như vậy. Hôm nay mà thấy người ta cho con nghỉ học đi bắt tôm bắt cá thì cũng cho con mình nghỉ luôn. Hay là hôm nay thấy nhà này đưa con đi ra Hà Nội bán hàng rong thì ngày mai cả làng cũng đi bán hàng rong luôn."

Có lẽ bởi vậy mà Hòa cũng chẳng mấy mặn mà với việc đi học, mới lên lớp 5, cứ hè đến là Hòa lại theo bố mẹ lên Hà Nội bán hàng rong. Hòa còn nhớ mình đã gắn bó với xe hàng ấy đến tận năm 17 tuổi. Ngày ấy, luật cấm bán hàng rong ở Hà Nội ra mới, bán hàng rong khổ lắm, suốt ngày bị đuổi đánh. Hằng ngày, cứ khoảng thời gian "đón trường", Hòa lại đạp xe tới khu vực hồ Tây để bán hàng, từ 3h đến 5h, sau đó khi học sinh đã về hết, Hòa dắt bộ đi một vòng hồ, hết Lạc Long Quân sang Âu Cơ rồi Kim Liên, Trúc Bạch… 

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 5.

Trong khi những đứa trẻ khác thì quần áo phẳng phiu, được cha mẹ đón đưa tận nơi, Hòa thì chỉ có xe hàng rong làm bạn. Tủi thân chứ, niềm vui của cậu bé bán hàng rong khi ấy cũng nhỏ bé lắm: "Món mình thích nhất khi ấy là ốc với xoài thừa của khách Tây quanh hồ. Cứ chờ người ta ăn xong thì mình lại mời người ta mua bắp, chờ họ đi thì mình ăn chỗ người ta còn thừa." Rồi cả những miếng mít toàn xơ không do ông bán mít gần đó thương nên cho.

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 6.

 Từ tấm voucher xem phim miễn phí đến khát khao sống khác đi

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 7.

Cuộc sống mưu sinh bên xe hàng rong của Hòa cứ tiếp diễn cho đến một ngày, một sự việc xảy ra đã khiến Hòa nhận ra mình không thể tiếp tục như thế nữa. Ngày ấy, có một anh khách quen người Ý của Hòa cho Hòa 3 tấm voucher đi xem phim miễn phí ở Vincom. Đi cùng Hòa còn có Đáp, anh trai của Hòa. Cậu bé quê ngơ ngác đứng giữa không gian sang trọng của trung tâm thương mại, chẳng biết gì, lơ ngơ cầm suất bỏng ngô anh trai đưa, rồi lơ ngơ ngồi xem phim màn hình lớn. 

Kết thúc buổi chiếu, anh trai Hòa chỉ nói một câu: "Hôm nay, anh đưa mày đi để mày biết mày phải sống thế nào." Xem phim ở rạp đối với nhiều người là một việc bình thường đến chẳng thể bình thường hơn, nhưng với Hòa, trong đầu cậu khi ấy đã hiện lên suy nghĩ: "Mình sống được như thế này là mình chết được rồi. Mình không ngờ mình có được ngày hôm nay, mình cũng được đi xem phim, cũng được "sang chảnh" như thế này." 

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 8.

Câu nói của anh trai và niềm hạnh phúc "muốn chết" ấy đã là bước đệm đầu tiên để Hòa cố gắng, phải học tiếng Anh, phải sống khác đi.

Hòa tự nhận mình là một người chạy rất nhanh so với bạn bè. Đơn giản như việc bán hàng rong, khi các bạn cùng đi bán còn loay hoay với xe hàng thì Hòa đã nghĩ đến việc bán hàng online. Vẫn những mặt hàng ấy, nhưng Hòa chọn cách liên hệ với những hàng quán có nhu cầu, để tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.

Gánh hàng rong không chỉ là công cụ để Hòa phụ giúp gia đình mà một lần nữa nó trở thành cầu nối đưa Hòa đến với những cơ hội mới. Hòa tiếp xúc với tiếng Anh lần đầu tiên cũng qua những buổi đi bán hàng như thế. Lý do ban đầu chỉ là bởi "bán cho khách Tây thì thông thường sẽ được nhiều tiền hơn bán cho khách Việt", thế là Hòa tập tành nói, "Day by day, mình nói hàng ngày, hôm nay nói một câu, ngày mai nói một câu. Đến bây giờ, tiếng Anh của mình phần lớn đều là tiếng Anh bồi, nói được nhưng viết không tốt." 

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 9.

Biết tiếng Anh rồi, Hòa quen được nhiều bạn bè quốc tế hơn, Hòa cũng tìm được một công việc chính thức dù mức lương không cao. Từ xuất phát điểm rất thấp ấy và qua những lần trò chuyện cùng bạn bè nước ngoài, chàng trai bán hàng rong bỗng thấy trong suy nghĩ của mình những mầm ươm thay đổi.

"Nghe mấy người bạn nước ngoài của mình kể về đất nước họ, mình nghĩ đến những sinh viên nước mình, nhiều người không có tiền để đi học, có người tốt nghiệp rồi thì không xin được việc, cũng chẳng biết tiếng Anh. Mình tự nhiên có ý tưởng liệu mình có thể làm được gì không, và mình phải làm như thế nào đây."

"Trung tâm được như ngày hôm nay, mình không cảm thấy mình đã thành công, chỉ thấy vui vì mình nghĩ mình đã làm đúng!"

Những viên gạch đầu tiên của Mercury Center đã được đặt xuống như thế đấy! Gia đình theo Thiên chúa giáo, kể cả trong thời gian đi bán hàng rong ở Hà Nội, Hòa vẫn đều đặn tới nhà thờ, và chính tại đây, nỗ lực và sự xông xáo của chàng trai bán hàng rong chỉ tốt nghiệp cấp 3 đã được để ý, Hòa được mời về làm trợ lý cho Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam với mức thù lao mang tính chất "hỗ trợ": 200.000 VNĐ/tháng. Với 200.000 ít ỏi, Hòa đã nghĩ ra việc lập một CLB tiếng Anh nhỏ, ban đầu chỉ với mục đích giao lưu, nói chuyện bằng tiếng Anh với nhiều người khác. Rồi dần dà, CLB biến thành lớp học từ bao giờ chẳng hay.

Một căn phòng trọ, thầy giáo là một người bạn đến từ Nhật mà Hòa quen, học sinh là 2 người bạn của Hòa, thế là thành lớp học. "Rồi bạn mình gọi bạn của bạn mình, bạn của bạn mình lại gọi bạn của bạn của bạn mình... Cứ thế, những buổi học tiếp theo của CLB kín chật chỗ. Mình với hai người bạn đầu tiên tự bỏ tiền ra thuê một chỗ khác để tiện cho việc học." Một lớp học, rồi hai lớp học... chỉ bằng việc truyền miệng đơn giản, Mercury đã ra đời và phát triển thành cả một trung tâm quy mô như hiện nay. Tính tới tháng 11/2016, Mercury đã có tất cả 5 cơ sở chính trên địa bàn Hà Nội cùng một cơ sở mới mở ở Thanh Hóa.

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 10.

Giữ đúng mục tiêu mà Hòa luôn ấp ủ, hiện tại, hoạt động thường xuyên nhất của Mercury vẫn là tổ chức các lớp học ngoại ngữ miễn phí cho bất cứ ai muốn học. Người đứng lớp là những tình nguyện viên nước ngoài sang Việt Nam để giao lưu, trải nghiệm văn hóa địa phương, trong đó có cả việc dạy tiếng Anh miễn phí. Các bạn cũng có giáo trình nghiêm chỉnh, có lớp học và chương trình dạy cụ thể. Còn các học viên có thể bất kì ai, từ sinh viên, học sinh đến những người đã đi học đi làm nhưng có nhu cầu học tiếng Anh mà không có điều kiện. 

Việc dạy và học ở Mercury đều là miễn phí, tuy nhiên do địa điểm học, Hòa và các bạn khác trong ban quản trị trung tâm chưa thể chủ động được nên vẫn phải đi thuê, bởi vậy, trung tâm vẫn phải thu một khoản tiền nhỏ của học viên để chi trả cho các khoản tiền nhà, điện nước, sách vở, khoản thu chỉ thường dao động ở mức 150.000 – 200.000 VNĐ cho cả khóa học 3 tháng. 

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 11.

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 12.

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, Hòa còn gặp phải không ít ý kiến từ những người xung quanh. Bố mẹ, người thân thì chê cậu "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", người ngoài thì móc mỉa cơm ăn chưa no mà toàn lo đâu đâu, họ cũng nghi ngờ các hoạt động của Mercury bởi đời thuở nhà ai, học hành gì mà miễn phí tất tần tật như thế. Nhưng câu trả lời của Hòa thật đơn giản: "Bố mẹ mình nói nhiều nhưng mình cho rằng đây là việc mình nên làm và mình nghĩ mình đã làm đúng, mình sẽ không hối hận. Nó làm mình vui."

Dường như, tiền bạc với chàng trai ấy chưa bao giờ là vấn đề cả. Dù là ngày xưa khi còn đi bán hàng rong, suy nghĩ của cậu bé Hòa cũng chỉ là muốn phụ giúp bố mẹ, để bố mẹ vui, hay hiện tại, làm vì thấy việc làm đó đúng chứ không phải để được vinh danh gì cả. Khi được hỏi, làm miễn phí như vậy thì Hòa lấy đâu ra tiền để nuôi sống bản thân cũng như phát triển hoạt động của Mercury, Hòa thật thà: "Giờ mình làm tự do thôi. Nhận thiết kế web này, làm đồ họa cho các dự án. Tại hồi đó xem ảo thuật của David Copperfield nên thích vẽ, thành ra đi học vẽ, thiết kế web thì có thời gian ngắn mình đi học tại trung tâm dạy nghề. Thỉnh thoảng mình cũng nhận đi tour cho khách du lịch tới Việt Nam. Ngày trước, mình còn chụp cả kỷ yếu với ảnh đám cưới nữa cơ. Nhưng giờ mấy vụ đấy yêu cầu máy móc cao cấp và nhiều yếu tố khác nữa nên không theo được. Nói chung là làm tự do thì thu nhập cũng khá, chỉ là hơi bấp bênh và thiếu ổn định."

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 13.

Nói thì nói vậy nhưng Hòa cho rằng những công việc kiểu vậy là thích hợp nhất với cậu hiện tại. Cuộc sống lúc này đây của Hòa chỉ xoay quanh việc làm sao cho trung tâm hoạt động được trôi chảy và thuận lợi nhất, để có nhiều người được tiếp cận với hình thức dạy học miễn phí này hơn. Buồn vì nó mà vui cũng vì nó. Đơn cử như việc gần đây, khi địa điểm cậu đã định bụng thuê để làm cơ sở mới của Mercury bị người ta thuê trước, cả buổi trò chuyện cùng chúng tôi, Hòa đã không thể ngăn nổi mấy câu than thở và tiếc nuối. 

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 14.

Leader trẻ tuổi chẳng có mấy dự định xa xôi, khi được hỏi có muốn học tiếp lên đại học không, Hòa bày tỏ lúc này, cậu chỉ muốn tập trung hoàn thành cho thật tốt sứ mệnh mà cậu gửi gắm vào Mercury.

"Mình muốn đẩy cao hơn tầm của Mercury. Mình muốn Mercury thực hiện thật tốt sứ mệnh của nó, đó là trở thành một chương trình trao đổi tình nguyện viên. Các bạn tình nguyện viên quốc tế sang Việt Nam sinh hoạt cùng người Việt, còn các bạn sinh viên tốt của Việt Nam sẽ được Mercury gửi sang nước ngoài, nhận học bổng. Tất nhiên phải là những bạn giỏi nhất, có khả năng nhất. Ở nước ngoài cũng có những tổ chức phi chính phủ giống của bọn mình. Việc trao đổi qua lại như thế không chỉ giúp bản thân các tình nguyện viên giao lưu, học hỏi lẫn nhau mà là một dịp để quảng bá nhiều hơn về hình ảnh Việt Nam đến thế giới."

Kết

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 15.

Hòa nói kể từ ngày học tiếng Anh, đặc biệt là sau khi Mercury đón nhận những học viên đầu tiên, cuộc sống của cậu, tính cách của cậu và những gì xung quanh cậu đã thay đổi thật nhiều. Nhưng mặc kệ những ánh nhìn ngờ vực từ nhiều người, mặc kệ ngoài kia còn rất nhiều người giỏi hơn mình, chỉ cần còn một người muốn học ngoại ngữ miễn phí, Hòa sẽ vẫn mở lớp, vẫn đưa tình nguyện viên về với Việt Nam. 

Xin mượn lời của nam tài tử Keanu Reeves để làm kết bài: "Muốn thấy thế giới thay đổi, hãy trở thành một phần của sự thay đổi ấy!" Những việc làm của Hòa là rất nhỏ bé so với những việc làm vĩ đại của những người vĩ đại ngoài kia, nhưng ít nhất, chàng trai ấy đã thay đổi, và đang góp phần làm thay đổi nhiều con người khác nữa!

Chàng trai bán hàng rong từ tay trắng, tự mở trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí - Ảnh 16.