Những quan điểm “sai lầm” về giới siêu giàu

Hầu hết những người giàu có nhất thế giới đều được thừa kế tài sản; người giàu đều học ở những trường đại học tầm cỡ hay người giàu nào cũng có máy bay và du thuyền riêng … đều là những quan niệm “sai lầm” về giới siêu giàu.

Hầu hết những người giàu có nhất thế giới đều được thừa kế tài sản

Đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, 65% giới siêu giàu trên thế giới đều là “một tay gây dựng cơ đồ”, tạo dựng nên sự nghiệp bằng chính khả năng của mình; 16% khác được thừa hưởng một phần tài sản của gia đình, lấy đó tái đầu tư và làm “bàn đạp” để có thể xếp vào hàng ngũ giới siêu giàu. Nói cách khác, chỉ có 19% trong giới siêu giàu là được thừa hưởng hoàn toàn tài sản của gia đình.

Phần lớn giới siêu giàu đều đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tỷ phú có tài sản kếch xù đều đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thực tế số tỷ phú trong lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, số người siêu giàu trong lĩnh vực này vẫn chưa thể vượt qua mức 50% số siêu giàu của thế giới.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Wealth-X, cơ hội kiếm tiền khổng lồ xuất hiện ở hầu hết các ngành. Trong đó, một số ngành tạo ra mật độ tỷ phú dày đặc và lĩnh vực tài chính ngân hàng tạo ra nhiều tỷ phú nhất, chiếm 19,3%. Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy, nhận định phần lớn giới siêu giàu thuộc ngành tài chính, ngân hàng là hoàn toàn sai lầm.

Các CEO công nghệ thường bỏ học ở tuổi 20

Có lẽ bởi cái bóng quá lớn của Bill Gates, Steve Jobs hay gần hơn là Mark Zuckerberg mà nhiều người cho rằng các CEO công nghệ thường bỏ học giữa chừng để lập nghiệp và thành công từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuy nhiên trên thực tế, độ tuổi trung bình để bước vào giới siêu giàu của lĩnh vực này là 54 và rất nhiều người trong số họ có bằng cấp cao.

Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ chỉ đóng góp 4,1% số người giàu nhất thế giới, ít hơn một cách đáng ngạc nhiên so với sự quan tâm của các phương tiện truyền thông dành cho họ.

Những quan điểm “sai lầm” về giới siêu giàu - 1

Ba “người khổng lồ” trong ngành công nghệ.(nguồn: thegurdian)

Người giàu đều học ở những trường đại học tầm cỡ

Đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Không thể phủ nhận những trường đại học danh giá thuộc khối Ivy League (những trường đại học hàng đầu nước Mỹ) như Havard, Pennsylvania, Yale…là những trường có nhiều cựu sinh viên là tỷ phú nhất. Tuy nhiên, số cựu sinh viên siêu giàu trên thực thế của những trường này cũng chưa vượt số chưa đến 7.000 người, hay chỉ chiếm 3,5% tổng số người siêu giàu trên thế giới.

Ngoài ra, khoảng 27.000 người thuộc top siêu giàu trên thế giới (tức 13,6%), thậm chí còn không có bằng cử nhân.

Giới siêu giàu miễn nhiễm với khủng hoảng kinh tế

Không thể phủ nhận có những cá nhân trong giới siêu giàu “miễn nhiễm” với biến động kinh tế và giá trị tài sản vẫn không ngừng tăng lên bất chấp các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy không nhiều.

Trên thực tế, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009, giá trị tài sản của giới siêu giàu đã giảm 22% và đi cùng với nó, 20% cá nhân đã bị loại khỏi danh sách này.

Trung Quốc đang vượt các nước khác về số người siêu giàu

Mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc là 10% trong suốt thời kỳ từ năm 1980 đến 2012. Điều này có lẽ đã khiến nhiều người nghĩ rằng các tỷ phú Trung Quốc đang dần thống trị toàn cầu.

Tuy nhiên, số lượng và giá trị tài sản của những người siêu giàu tại Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2013 và Trung Quốc vẫn chỉ là nền kinh tế có số lượng siêu giàu lớn thứ hai châu Á, sau Nhật Bản. Số lượng giới siêu giàu của Mỹ vẫn gấp 3 lần so với Trung Quốc và châu Á vẫn cần 20 năm nữa để đuổi kịp Bắc Mỹ. Năm 2013, 5 nền kinh tế có số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất là Pakistan, Nigeria, Sri Lanka, Kenya và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Người giàu không làm từ thiện

Có nhiều cách để người giàu cho đi một phần tài sản của mình và từ thiện là một trong những cách đó. Trung bình, mỗi người siêu giàu làm từ thiện 25 triệu USD trong đời. Con số này với nhóm tỷ phú vào khoảng 100 triệu USD. Chỉ 1/3 số người siêu giàu làm từ thiện ít hơn 1 triệu USD, tức là chưa bằng 1% giá trị tài sản trung bình của họ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách mà người giàu cho đi như đầu tư tác động, quỹ tài chính vi mô, hay tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Những quan điểm “sai lầm” về giới siêu giàu - 2

Chỉ 20% giới siêu giàu có khả năng sở hữu những chiếc du thuyền hạng sang (nguồn: businessinsider)

Người giàu nào cũng có máy bay và du thuyền riêng

Theo Wealth-X, thực tế chỉ một phần nhỏ số người siêu giàu trên thế giới (khoảng 20%) có đủ tiền sở hữu một chiếc du thuyền hoặc máy bay tư nhân. Điều này đồng nghĩa rằng việc người giàu sử dụng hai loại phương tiện di chuyển sang trọng này vẫn chủ yếu là đi thuê. Khi di chuyển xa, rất nhiều người vẫn đi máy bay thương mại bình thường, trên các ghế hạng sang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhàn Lê ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN